Enter your keyword

Hoạt động trải nghiệm

Ẩm thực Việt Nam truyền thống

Ẩm thực Việt Nam vốn đã được đánh giá cao về cách chế biến và các nguyên liệu tươi ngon, có sự cân bằng các chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Mỗi món ăn Việt Nam có một hương vị độc đáo riêng, thể hiện văn hóa đặc trưng và cuộc sống của từng vùng trên dọc khắp miền đất nước. Các món ăn được chế biến tại làng Yên Đức mang phong vị truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, hầu hết các nguyên liệu tươi ngon được làm ra tại làng. Ẩm thực Việt Nam không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe có sự cân bằng giữa các món rau xanh và thịt, cá. Món ăn còn là câu chuyện về truyền thống làng xóm, gia đình, các sự tích hay câu chuyện lưu truyền. Du khách tới thăm làng Yên Đức để trải nghiệm một làng quê bình yên, với vẻ đẹp mộc mạc để sau đó thưởng thức những món ăn ngon nhất, đậm hương vị vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đánh cá

Ở vùng nông thôn, theo lối sống tự cung tự cấp, nhà nào cũng có vườn rau, ao cá để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm trong cả năm, mùa nào thức nấy. Ao thường nằm ở phía trước của ngôi nhà, cạnh vườn tạo nên nét đặc trưng cảnh quan của cuộc sống làng quê. Do người dân chủ yếu sống nhờ nông nghiệp nên vườn rau, ao cá có vai trò quan trọng đối với mỗi gia đình, cung cấp thực phẩm, điều tiết không gian và phục vụ các hoạt động nông nghiệp khác. Từ đó, lối sống văn hóa vùng nông thôn dần dần được hình thành và kéo dài nhiều thế kỉ. Đến thăm làng Yên Đức, du khách sẽ cùng tham gia đánh cá với người dân, mang cho du khách một trải nghiệm độc đáo. Người dân làng sẽ cùng du khách bắt cá bằng nơm, một công cụ quen thuộc ở làng, đây không chỉ là một hoạt động thú vị mà còn giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống. Hơn thế nữa, số cá tươi mà du khách bắt được sẽ được đầu bếp chế biến thành món ăn ngon miệng cho bữa tối. Hãy cùng tham gia trải nghiệm độc đáo này khi bạn tới thăm làng Yên Đức.

Làm vườn

Bên cạnh những cánh đồng lúa vàng, hình ảnh của khu vườn cũng gắn làng quê Việt Nam. Vườn là một phần quan trọng của ngôi nhà ở nông thôn bởi nó không chỉ cung cấp thực phẩm tươi sạch mà còn cải thiện môi trường sống, tạo không gian mở cho ngôi nhà. Trong vườn, người dân trồng các loại rau, thảo dược, hoa quả thiết thực với cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương. Tham gia trồng rau, hái quả sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị khi du khách được tự tay mình thu lượm những loại rau quả tươi ngon nhất cho bữa ăn của mình. Chương trình làm vườn sẽ được bao gồm trong các hành trình thăm làng với thời gian lâu từ 5 tiếng và các tour ngủ đêm trong làng.

Múa rối nước

“Tôi ra đây có cần xưng danh không nhỉ?” – Câu chào quen thuộc của chú Tễu mở đầu màn múa rối nước tại Yên Đức đã mở ra hành trình khám phá các câu chuyện sinh hoạt làng quê qua các vở diễn vui vẻ, đậm chất văn hóa truyền thống. Múa rối nước là loại hình nghệ thuật tiêu biếu nhất trong các loại hình nghệ thuật múa rối truyền thống, cách tạo hình nhân vật nghộ nghĩnh, đơn giản, các vở diễn chính là những câu chuyện thường ngày trong đời sống nông thôn. Qua hàng ngàn đời, múa rối nước vẫn sống động trong sứ mệnh lưu giữ văn hóa truyền thống của mình. Bây giờ, một lần nữa tại làng Yên Đức, múa rối nước đã chinh phục những vị khách từ phương xa tới chiêm ngưỡng và trầm trồ trước những nét đẹp truyền thống của văn hóa đất nước chúng ta. Một sân khấu được dựng lên ngay chính giữa ao làng, một không gian rộng lớn giữa những cánh đồng lúa, những người dân làng với kĩ năng biểu diễn điêu luyện đã mang lại những vở diễn thú vị của loại hình nghệ thuật truyền thống giàu giá trị.

Thăm ngôi nhà Việt truyền thống

Trong đời sống con người Việt Nam, ngôi nhà là không gian gia đình có khi tới 3, 4 thế hệ cùng chung sống. Từ khi sinh ra, lớn lên và trường thành, các giá trị truyền thống đã được hình thành trong chính không gian của ngôi nhà để các thế hệ sau tiếp nối. Thăm làng Yên Đức, du khách sẽ được thăm những ngôi nhà như vậy, như nhà Ông Tề, ngôi nhà cổ đã hơn 100 năm tuổi tại đây. Ngôi nhà có sân vườn rộng trồng nhiều loại cây cảnh. Bên trong ngôi nhà là nhà thờ tổ với cây phả hệ lưu giữ tên tuổi của những người trong dòng họ.  Ông Tề là người đứng đầu dòng họ đã sinh sống lâu đời tại làng Yên Đức, với những hiểu biết của mình về lịch sử, văn hóa và truyền thống, bên ấm nước chè xanh du khách sẽ cảm thấy rất thú vị khi nghe những câu chuyện về con người và cuộc sống nơi đây hay những thay đổi đã đi qua trên mảnh đất này.

Thăm chợ quê

Ở vùng nông thôn, chợ quê là nơi tiện đi lại tham gia các hoạt động mua bán của người dân. Các mặt hàng buôn bán ở chợ thường là những đồ dùng cần thiết cho cuộc sống hay những loại nông sản do người dân tự sản xuất: gạo, rau, trứng, cá, sản phẩm tre nứa… Cuộc sống hiện đại cũng bổ sung thêm rất nhiều những vật dụng khách được mang từ những nơi khác đến cung cấp cho người dân. Nhưng không chỉ có vậy, chợ còn là nơi mọi người gặp gỡ, trao đổi thông tin nên không chỉ là nơi buôn bán mà chợ quê còn là một nét đặc trưng trong cuộc sống của làng quê Việt Nam. Chợ mỗi nơi đều khác nhau, theo đặc điểm của từng vùng miền, ở làng Yên Đức chợ diễn ra theo phiên hàng ngày, nhộn nhịp và có đủ hầu hết các loại đồ dùng, thực phẩm, đồ ăn uống, quần áo, nhu yếu phẩm cho người dân. Thăm quan một vòng quanh chợ, trò chuyện với người mua, người bán thân thiện, vui tính, mua một chút đồ nông sản của bà con làm quà là một hoạt động thú vị, mang lại cho khách nhiều kỉ niệm khó quên.

Thăm chùa Cảnh Huống

Chùa là nơi linh thiêng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, cội nguồn của văn hóa và đời sống Phật giáo. Vào mỗi ngày đầu tháng hay ngày rằm, người dân thường tới chùa để cầu cho mưa thuận gió hòa, hạnh phúc và may mắn sẽ đến trong cuộc sống. Chùa Cảnh Huống là trung tâm của đời sống tâm linh của làng Yên Đức, ngôi chùa cổ có từ thế kỉ 13 qua các triều đại Lý, Trần, đã được trùng tu và xây dựng. Thăm chùa Cảnh Huống, du khách sẽ tìm hiểu về nơi thờ tự tâm linh và Phật giáo, tôn giáo phổ biến của hầu hết người Việt, nói chuyện với sư trụ trì và cảm nhận được sự thư thái trong tâm hồn, quên đi những muộn phiền lo lắng, để từ đó lạc quan hơn, tràn đầy niềm vui, tận hưởng cuộc sống của mình.